Theo báo
cáo mới đây của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, tổng
doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop,
Lazada, Tiki, Sendo trong quý I đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm
ngoái.
Trong đó,
Metric ghi nhận 510.500 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng (+9%); 13,1 triệu sản
phẩm có lượt bán (+10%) và 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công
(+83%).
“Các sàn
TMĐT tiếp tục là sân chơi được các nhà bán hàng lựa chọn để tiếp cận khách hàng
tiềm năng. Sản lượng và doanh thu đều trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là con số cực
kỳ ấn tượng khi dự báo đầu năm của Metric, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có thể
chỉ cán mốc 35%”, nền tảng này nhận định.
Thị trường
ngày càng chật trội
Doanh số
bán hàng trên 5 sàn TMĐT có xu hướng bùng nổ vào tháng 3 khi đạt gần 28.300 tỷ
đồng. Đây là tháng luôn mang lại doanh thu cao nhất trong quý I bởi dịp Tết
Nguyên đán thường rơi vào tháng 1 và tháng 2, tạo tâm lý ngại mua sắm trực tuyến
hơn do tình trạng gián đoạn vận chuyển giao hàng.
Với nhiều
chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, người dân đang có xu hướng chi tiêu
thoải mái hơn so với giai đoạn hậu Covid-19 và mua sắm online dần trở thành
thói quen tiêu dùng không thể thiếu.
Bên cạnh sự
hồi phục của nền kinh tế, doanh nghiệp ngày càng có niềm tin vào sự phát triển
của thị trường bán lẻ trực tuyến. Metric dự báo TMĐT là sân chơi buộc phải tham
gia nếu muốn tiếp cận số lượng khách hàng khổng lồ.
Tuy nhiên,
TMĐT luôn là một thị trường đầy khốc liệt. Chỉ cần tìm mặt hàng bất kỳ trên
sàn, người dùng có thể nhìn thấy hàng chục, hàng trăm nhà cung cấp.
Vì vậy, với
số lượng doanh nghiệp tăng lên, cuộc chiến trên nền tảng TMĐT chắc chắn càng
thêm phức tạp. Nhà bán có thể bị đào thải bất cứ lúc nào nếu không có chiến lược
kinh doanh hiệu quả.
Giá rẻ vẫn
là trọng tâm mua hàng của người tiêu dùng trên các sàn TMĐT khi mức giá phổ biến
nằm trong khoảng từ 10.000 đến 350.000 đồng. Dẫu vậy, với một số nhóm ngành
hàng đặc trưng như làm đẹp, chất lượng mới là điều người tiêu dùng quan tâm
thay vì mức giá. Thậm chí, mức giá rẻ đôi khi mang lại tác dụng ngược trong những
ngành hàng này.
Hà Nội và
TP.HCM tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu doanh số và sản lượng bán dựa trên địa
điểm đặt kho, chiếm tổng cộng trên 70% toàn thị trường. Đây cũng được coi là đại
diện văn hóa tiêu dùng của 2 miền Nam - Bắc.
Trong top
10 khu vực có doanh số cao nhất, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Bình Dương
là những tỉnh thành có mức độ tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ 2023. Trên thực
tế, đây đều là những thành phố lớn khi Quảng Ninh sở hữu cửa khẩu quốc tế trong
khi 3 tình thành còn lại tập trung nhiều khu công nghiệp.
Hiện nay,
các doanh nghiệp địa phương đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tổng doanh thu và sản
lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%. Điều
này cho thấy TMĐT đã không còn là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp tại các
đô thị lớn mà đã có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành.
Kho hàng đặt
tại các tỉnh thành cũng giúp rút ngắn thời gian vận chuyển - giao hàng, thúc đẩy
tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu mua hàng nhanh chóng của người tiêu dùng ở địa
phương.
Znews