Nhiều thử
thách bủa vây
Theo các
nhà sản xuất xi măng, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đều gặp
nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sở dĩ sản lượng giảm mạnh là do Trung
Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi
sắc.
Bên cạnh
đó, cạnh tranh xuất khẩu xi măng, clinker (xi măng thô) của Việt Nam khốc liệt
hơn do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng nước
ta, điển hình là Phillipiness, Bangladesh. Tại Phillipiness, nước này vẫn áp dụng
chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam), cộng với
cạnh tranh dư thừa tại Trung Đông và Đông Nam Á...
Hiệp hội
Xi măng Việt Nam cho biết lượng tiêu thụ xi măng từ năm 2022 đến nay liên tục sụt
giảm, làm cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó.
Hiện nay,
cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi
măng/năm, nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong
đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn. Lượng
tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022.
Phải đối mặt
với khó khăn, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tăng cường sử dụng rác thải
làm nhiên liệu thay thế, sử dụng bùn thải thay thế sét, sử dụng thạch cao nhân
tạo thay thế thạch cao tự nhiên; Nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi
trường, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng
tài nguyên không tái tạo...
Giải bài
toán đầu ra?
Song giải
pháp trên được nhận định chỉ là tạm thời, bởi khó khăn chính đến từ việc khó
tiêu thụ hàng hóa.
Hiệp hội
Xi măng Việt Nam cho biết khó khăn đến từ nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu, các
dự án xây đường giao thông, trong đó cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống,
việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng
xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng.
Thị trường
nhà ở, bất động sản chưa hồi phục, tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
triển khai thực tế rất thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại khó khăn về sản xuất
khi giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than. Thuế xuất khẩu
clinker (xi măng thô) tăng, sức ép môi trường với các nhà máy xi măng ngày càng
lớn.
Hiệp hội
Xi măng Việt Nam cho rằng ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn, có nguy cơ đẩy
nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài.
Để gỡ khó
cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ
tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử
dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu,
vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Gia cố nền đường bằng
xi măng - đất để thay thế cho giải pháp truyền thống đắp nền đường bằng cát san
lấp.
Ngoài ra,
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất
khẩu đối với clinker, trước mắt nếu chưa bãi bỏ thì giữ nguyên thuế xuất khẩu với
clinker 2 năm tới là 5%.
Đặc biệt,
hiệp hội này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho
các doanh nghiệp xi măng, đồng thời không khuyến khích các nhà đầu tư nước
ngoài đầu tư dự án xi măng tại Việt Nam.
Trước đề
xuất của Hiệp hội xi măng Việt Nam, Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung sang Bộ
Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nghiên cứu, xử lý theo chức
năng, nhiệm vụ và quy định.
Theo BGT