Theo Business Insider, ngành dệt may Bangladesh, một trụ cột kinh tế quan trọng, đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do bất ổn chính trị trong nước, bao lực gia tăng và tình trạng lũ lụt thảm khốc.

Ngành dệt may hiện chiếm tới 80% doanh thu từ xuất khẩu  của nước này và đóng góp khoảng 11% vào GDP  của quốc gia.

Ngành công nghiệp này đóng góp đáng kể vào thu nhập xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng triệu người.

Sau các cuộc biểu tình chống chính phủ chưa từng có, đỉnh điểm vào ngày 5/8, Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và chạy trốn khỏi đất nước và sang Ấn Độ.

Các cuộc biểu tình chống hạn ngạch tuyển công chức kéo dài hai tháng đã dẫn đến bạo động và lệnh giới nghiêm được ban bố. Tình trạng bất ổn này không chỉ làm gián đoạn hoạt động của nhà máy mà còn gây ra những tổn thất kinh tế đáng kể.

Các nhà máy buộc phải đóng cửa ngay trong thời gian cao điểm chuẩn bị đơn hàng cho dịp Giáng sinh và các lễ hội cuối năm. Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) gần đây đã báo cáo khoản lỗ tài chính đáng kể, do việc đóng cửa và gián đoạn liên lạc.

Ông Khandoker Rafiqul Islam, tân chủ tịch BGMEA, cho biết mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 45 tỷ USD có thể không đạt được trong năm nay.

Ông cho rằng điều này là do sự gián đoạn trong cả hoạt động xuất khẩu và sản xuất.

"Tôi nghĩ đây là một cuộc khủng hoảng tạm thời và chúng ta sẽ vượt qua được. Quy mô chính xác của những tổn thất sẽ được đánh giá sau, nhưng hiện tại ngành dệt may đang bị tác động", ông nói.

Cựu Bộ trưởng Nội các, Gholam Sarwar Milon, cho biết ngành may mặc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả tình hình bất ổn chính trị và lũ lụt. Ngành sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu thô đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Cuộc khủng hoảng trong ngành may mặc là chưa từng có. Sản lượng giảm gần 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái [..] Một số nhà máy nhỏ đã đóng cửa hoặc đang làm việc theo hợp đồng gia công cho các nhà máy lớn", ông nói với PTI.

Theo nguồn tin của BGMEA, trong số 3.000 nhà máy may lớn và nhỏ ở Bangladesh, khoảng 800-900 nhà máy đã đóng cửa kể từ năm ngoái.

"Các nhà máy lớn đã sống sót, nhưng các nhà máy vừa và nhỏ đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nếu tình hình vẫn tiếp diễn, kết cục sẽ còn tồi tệ hơn nữa", ông nói.

Ông Milon cho rằng ngành may mặc cần đa dạng hóa sang sản xuất túi đay và các loại quần áo cao cấp khác, đồng thời tìm kiếm thị trường mới.

Hiệp hội các nhà máy dệt Bangladesh đã dự báo thiệt hại khoảng 58 triệu USD. Tác động đối với ngành công nghiệp này còn trầm trọng hơn do trận lũ lụt gần đây, vốn đã làm gián đoạn thêm hoạt động logistics và làm trầm trọng thêm hậu quả kinh tế.

Cảng chính của Bangladesh, Chattogram, nơi có hơn 90% hoạt động thương mại quốc tế của đất nước, đã trở thành tâm điểm của sự hỗn loạn. Hoạt động của cảng đã bị tê liệt trong thời gian bất ổn chính trị, dẫn đến các chuyến hàng bị giao chậm chễ.

Các nhà máy đã phải vật lộn để duy trì lịch trình sản xuất và tình trạng tồn đọng tại các cảng và sân bay đã kéo dài đến một tháng trong một số trường hợp.

Để giảm thiểu thiệt hại, các nhà máy đã chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không và kéo dài giờ làm việc, nhưng các biện pháp này vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được tình trạng chậm trễ.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA), Mohammad Hatem, cho biết đơn hàng đã giảm 15-20%.

"Ngành công nghiệp đã phải chịu tổn thất lớn trong vài tháng qua. Năm 2014, trong thời kỳ bất ổn chính trị, chúng tôi đã phải chịu một tình huống tương tự. Sau đó, chúng tôi mất ba năm để trở lại trạng thái trước đó", ông nói.

Hatem cảm thấy rằng nếu tình hình không sớm được khắc phục, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tìm kiếm thị trường mới ở các quốc gia Nam Á khác.

"Tuy nhiên, các thị trường Nam Á khác không có cơ sở hạ tầng như Bangladesh, nơi có năng lực sản xuất lớn như vậy", ông nói.

Lực lượng lao động  của ngành may mặc đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng. Hiện ngành may mặc của Bangladesh sử dụng hơn 4 triệu lao động  trực tiếp và gần 15 triệu lao động gián tiếp, với tỷ lệ đáng kể là phụ nữ.

Sự tăng trưởng đáng kể của ngành này trong hai thập kỷ qua - từ 5 tỷ USD xuất khẩu năm 2001 lên gần 40 tỷ USD vào năm 2023 - hiện đang gặp rủi ro.

Lũ lụt đã làm trầm trọng thêm những thách thức, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và làm phức tạp thêm hoạt động logistics.

Lũ lụt do mưa gió mùa gây ra ở vùng đồng bằng Bangladesh và các vùng thượng nguồn Ấn Độ đã giết chết một số người và khiến gần 3 triệu người khác bị mắc kẹt hoặc ảnh hưởng đến Bangladesh, đặt ra thách thức hành chính to lớn đối với chính phủ lâm thời mới được thành lập trong bối cảnh chuyển giao chính trị.

"Do lũ lụt, chuỗi cung ứng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi đã đạt kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc mức cao nhất vào năm 2023. Năm nay, con số này có thể sẽ thấp hơn nhiều", cựu thiếu tá quân đội và là chủ sở hữu của một nhà máy may len, Mahfuzur Rehman cho biết.

Sự tăng trưởng của ngành từ một hoạt động quy mô nhỏ vào đầu những năm 1980 trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, nhấn mạnh sức mạnh của ngành.

Để ứng phó với cuộc khủng hoảng, chính phủ lâm thời, hiện do nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus lãnh đạo, đã ưu tiên khôi phục trật tự và ổn định.

Theo những người trong ngành may mặc, con đường phục hồi đầy thách thức vì tình hình chính trị bất ổn đã làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư và trận lũ lụt gần đây đã làm gia tăng thêm căng thẳng cho cơ sở hạ tầng vốn đã mong manh.

"Khả năng phục hồi của ngành sẽ bị thử thách khi ngành cố gắng lấy lại chỗ đứng và khôi phục danh tiếng là nhà cung cấp toàn cầu đáng tin cậy", một chủ sở hữu công ty may mặc cho biết.

Ông nói thêm rằng bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay, ngành dệt may của Bangladesh đã cho thấy sức mạnh to lớn và khả năng phục hồi trong quá khứ.

VNB