Cửa hàng bắt đầu cúng khai trương lúc 9h, nhưng tụi em giao bánh trước đó 4 tiếng giúp chị nhé”.

Đây là yêu cầu của khách hàng mà chị Vân Nguyễn (40 tuổi, chủ một tiệm bánh tại quận Bình Thạnh, TP HCM) thường nhận được những ngày gần đây. Lý do là khách muốn mọi việc diễn ra suôn sẻ trong ngày trở lại làm việc sau Tết nên chủ động chuẩn bị lễ vật từ sớm, trong đó bánh là một phần không thể thiếu trên mâm cúng mở hàng.

Hiểu điều này, chị Vân Nguyễn cùng nhân viên thức khuya dậy sớm để hoàn thiện những chiếc bánh mang concept khai trương như “Hưng long phát đạt”, “Phúc lộc song toàn”…

 

Mẫu bánh hũ đựng vàng mới của tiệm chị Vân.

“Có những ngày, khách thi nhau khai trương, mở hàng cùng một khung giờ nên tôi phải huy động toàn bộ nhân lực để kịp giao bánh cho khách. Chúng tôi cũng luôn chuẩn bị bánh dự phòng cho trường hợp bánh không giữ được hình dáng ban đầu. Tuy nhiên, shipper của tiệm đều am hiểu kết cấu, đặc tính của dòng bánh tạo hình nên trường hợp này hiếm xảy ra”, chị Vân chia sẻ.

Mùng 6 tháng Giêng vừa qua (tức 15/2 Dương lịch), tiệm chị Vân làm nhanh lễ cúng mở hàng đầu năm rồi “vắt chân lên cổ” thiết kế bánh cho khách.

Nhu cầu đặt bánh phục vụ tín ngưỡng

Duy trì làm mẫu bánh khai trương, cúng Thần Tài khoảng 5 năm nay, chị Vân cho biết người kinh doanh, buôn bán ưa nhìn ngắm "thỏi vàng" hoặc những biểu tượng gắn liền với tài lộc để gia tăng may mắn trong năm mới.

Bánh túi tiền, bánh thỏi vàng làm bằng đậu xanh là những mẫu mã quen thuộc trên mâm cúng Thần Tài, trong khi bánh kem tạo hình có phần mới lạ hơn.

Do đó, sẵn có kinh nghiệm đối với bánh sinh nhật tạo hình, chị Vân và thợ ở tiệm tận dụng 2 nguyên liệu chính là chocolate và fondant (nguyên liệu trang trí được làm từ bột đường trắng - PV) để làm nên những chiếc bánh khai trương, cúng Thần Tài bắt mắt.

“Chúng tôi lựa chọn hình ảnh mà mọi người đều thích - những thỏi vàng lấp lánh - làm điểm nhấn của bánh. Bên cạnh đó, màu sắc chủ đạo của bánh là vàng và đỏ cũng tượng trưng cho sự may mắn, giàu có. Mọi chi tiết trên bánh đều liên quan đến văn hóa phương Đông nên tiệm chúng tôi nghiên cứu, chọn lọc rất kỹ trước khi bắt tay vào thiết kế”, chị Vân bày tỏ.

 

Các mẫu bánh bắt mắt ở tiệm chị Vân

Những năm trước, tiệm chị nhận lượng đơn đỉnh điểm lên đến 300 đơn, kéo theo doanh thu vài ngày bằng mấy tháng cộng lại. Lượng đơn nhiều đến mức tiệm phải ngưng nhận đơn sớm để đảm bảo hoàn thiện đơn đã nhận một cách chỉn chu.

Chịu ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái vào năm ngoái song khách hàng năm nay của chị vẫn chú trọng nghi lễ lâu đời nên cố gắng đặt một chiếc bánh đẹp mắt cho mâm cúng tròn đầy.

Tệp khách hàng của tiệm khá đa dạng, từ người trung thành với mẫu bánh thỏi vàng quen thuộc đến những ai tò mò về mẫu bánh tạo hình mới lạ. Một số khác yêu cầu bánh có thể trưng bày lâu (từ 15-30 ngày) được làm toàn bộ bằng chocolate.

Giá của các mẫu dao động từ 1,9-3,5 triệu đồng. Riêng set bánh đặc biệt lên đến gần 14 triệu đồng.

Nếu chỉ một người làm, mỗi chiếc bánh cần nửa ngày để hoàn tất. Có những ngày, thợ tại tiệm chị Vân bắt đầu công việc lúc 4h và tăng ca đến tối khuya. Trước và trong Tết Nguyên đán 2024, mọi người cũng đã quảng cáo mẫu bánh dự kiến mở bán, đồng thời làm dần các chi tiết bằng nguyên liệu ăn được.

“Chúng tôi đã ‘vượt qua’ mùng 6 Âm lịch - một trong những ngày khai trương đẹp được mọi người lựa chọn. Tiếp theo là mùng 8, 9, 10 với lượng đơn ‘nổ’ liên tục”, chị Vân cười chia sẻ.

Mẫu mã và chất liệu làm bánh ngày càng đa dạng

Sản phẩm bánh thỏi vàng của tiệm anh Phong (chủ tiệm bánh online, ngụ quận Tân Bình) không chỉ phục vụ ngày Thần Tài, mà còn được ưa chuộng trong lễ cúng ông Công ông Táo và Giao thừa.

Không làm bánh theo kiểu “cúng xong rồi bỏ”, anh Phong cho biết mình đề cao hương vị thơm ngon của bánh để mọi người có thể thưởng thức sau khi hoàn thành lễ cúng.

Hương vị bánh thỏi vàng ở tiệm anh Phong thực chất là bánh dứa Đài Loan với nhân mứt dứa và lớp vỏ xốp là sự kết hợp giữa bánh Trung thu và bánh quy.

“Bánh dứa dễ ăn, không khó làm mà lại bảo quản được lâu (3 tháng trong hộp kín) nên rất thích hợp để biến tấu thành những thỏi vàng đẹp mắt dâng lên Thần Tài”, anh Phong chia sẻ.


Những "thỏi vàng ăn được" đẹp mắt, ngon miệng của tiệm anh Phong.

Điểm đặc biệt là chi tiết trên bánh và số lượng bánh trong hộp sẽ thay đổi theo từng năm, tùy vào đề xuất của thầy phong thủy. “Có năm 7 chiếc, 8 chiếc hoặc 9 chiếc với chữ ‘Tài lộc’ bằng tiếng Trung ở giữa. Riêng năm nay, thầy phong thủy gợi ý chúng tôi làm hình cánh hoa”, anh Phong cho hay.

Mỗi mùa, tiệm của anh sản xuất trung bình 20.000-30.000 hộp bánh, chủ yếu mở bán trước Tết đến hết mùng 9 tháng Giêng.

Không giống những nơi khác chỉ mở bán gần ngày Thần Tài, anh Phong kéo dài thời gian bán để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng (cúng ông Công ông Táo, cúng Giao thừa… - PV). Anh cũng tự tin bánh làm ra hiếm bị tồn kho vì tiệm đã sở hữu lượng khách sỉ cố định.

 

Nhân lực của cửa hàng gồm 10 người chia làm thợ chính và thợ phụ. Trong khi thợ chính chịu trách nhiệm nhào bột, căn chỉnh nguyên liệu làm bánh, thợ phụ sẽ hỗ trợ đóng khuôn, phun nhũ thực phẩm màu vàng lên toàn bộ bánh.

“Lượng đơn mùng 5, 6 Âm lịch tăng đột biến, chúng tôi cố gắng ‘đẩy’ đơn đi đến hết mùng 9 để nếu có trục trặc xảy ra thì kịp điều chỉnh cho khách làm lễ vào mùng 10. Số ít khách đặt bánh sát ngày vẫn được phục vụ như thường, chỉ có điều phải cọc tiền, chuyển khoản trước để giữ bánh”, anh Phong nói.

Tương tự, Phạm Thị Tường Vi (31 tuổi, từng làm kế toán, sinh sống tại tỉnh Bình Định) cũng chú trọng hương vị món bánh thay vì chỉ tập trung vào vẻ ngoài bắt mắt. Chiếc bánh Thần Tài của Vi sử dụng cốt bánh bông lan mềm xốp, kết hợp cùng mứt chua ngọt và kem tươi thơm béo. Các chi tiết, ngoại trừ tượng Thần Tài và cánh hoa, đều có thể ăn được.

Khi có đơn, Vi thường nướng sẵn cốt bánh, đồng thời dựa vào thời gian giao hàng để tính toán làm phần kem và tạo hình bánh. Các công đoạn cần 1 tiếng rưỡi mới xong.

"Những năm gần đây, ngày vía Thần Tài được các hộ kinh doanh, buôn bán chú trọng hơn rất nhiều - không những đầy đủ, ý nghĩa mà còn được trang hoàng bắt mắt. Do đó, tôi 'tập tành' làm bánh kem tạo hình giống hũ vàng, túi bạc bằng những nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, dễ ăn", Vi nói.


Bánh Thần Tài của tiệm Vi

Xuất phát từ sở thích làm bánh cho vui, Vi không ngờ rằng bánh Thần Tài "home-made" của mình được nhiều người quen, bạn bè ủng hộ dịp này. Với Vi, làm bánh là cái duyên xuất hiện đúng lúc cô chán chường công việc cũ.

Khi tìm kiếm từ khóa "Cúng Thần Tài" trên mạng xã hội, người dùng không khó bắt gặp hình ảnh bánh trái, thực phẩm mô phỏng hình dáng túi đựng vàng, thỏi vàng hoặc khắc các chi tiết liên quan đến tài lộc, phú quý giúp cho mâm cúng mùng 10 tháng Giêng thêm phần hấp dẫn.

Znews