Mới đây vào
ngày 20/6, Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Tham dự Hội
nghị có thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành liên quan, các
chuyên gia, ủy viên phản biện. Về phía tỉnh Hải Dương có Chủ tịch HĐND tỉnh Lê
Văn Hiệu, Chủ tịch tỉnh Triệu Thế Hùng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương Trần Đức
Thắng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu
mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất
quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và địa phương nói riêng, giúp
chúng ta có con đường đi, định hướng cho phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới,
cách tiếp cận mới, không gian mới, tạo động lực mới cho phát triển. Quy hoạch
phải khai thác được hết các tiềm năng, giúp phát triển nhanh nhưng quy hoạch
cũng phải thực hiện được, tính thực tiễn cao. Đồng thời cho biết, công tác quy
hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đang được các bộ, ngành, địa phương tập
trung triển khai với tốc độ nhanh hơn; phấn đấu trong năm nay phải hoàn thành
xong tất cả các quy hoạch.
Theo Bộ
trưởng Nguyễn Chí Dũng, Hải Dương là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm
trên các hành lang kinh tế, giao thông phát triển đồng bộ nhưng Tỉnh vẫn chưa
có được sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Do đó, trong Quy hoạch tỉnh Hải
Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tìm ra các điểm nghẽn, cản
trở tới phát triển của tỉnh trong thời gian qua; từ đó làm sao khơi thông, giải
phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc nhanh trong thời gian tới.
Trong thời
gian vừa qua, tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả phát triển tích cực, nằm
ở vị trí thuận lợi trên các hành lang kinh tế phát triển, có giao thông đồng bộ
đi qua. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương phát triển chưa tương xứng, thu nhập bình
quân đầu người vẫn thấp; là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế đứng thứ
8/11 tỉnh của Vùng; thu ngân sách không bền vững; thu hút đầu tư thấp.
Do vậy, Bộ
trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, quy hoạch tỉnh Hải Dương phải chỉ rõ được điểm
nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì, cần tranh thủ sắp xếp lại không gian phát
triển để làm sao khơi thông, giải phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc được
nhanh; có thể tạo động lực mới để bứt phá trong phát triển. “Vị trí, hạ tầng tốt
rồi, vậy làm thế nào để sắp xếp không gian, tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế
trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Trình bày
báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh Hải Dương
xác định rõ quy hoạch Tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các
quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước,
làm tốt Quy hoạch của tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu
vực.
Với tầm
quan trọng của Quy hoạch tỉnh Hải Dương theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của
các bộ ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo thường
xuyên, rà soát và từng bước hoàn thiện Quy hoạch trên cơ sở tích hợp các lĩnh vực,
chuyên ngành trong công tác lập Quy hoạch tỉnh.
Cập nhật những quy hoạch, định hướng chiến lược cấp quốc gia, cấp vùng theo từng chuyên ngành, lĩnh vực; đã cập nhật định hướng phát triển và kết nối với các tỉnh, thành lân cận đặc biệt là hệ thống giao thông, thương mại- dịch vụ - logicstic; kết nối các quần thể di tích, danh thắng cấp quốc gia, quốc tế để tôn tạo, phát huy giá trị và tạo động lực phát triển liên vùng. Ngoài ra, quy hoạch có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển; có các định hướng phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn; phân bổ và sử dụng đất đai, tài nguyên, không gian một cách hợp lý, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với cách
tiếp cận mới, biện chứng, khoa học và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong
công tác lập quy hoạch đã đánh giá đầy đủ, khách quan hiện trạng phát triển của
tỉnh; làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; từ đó xây dựng tầm nhìn,
định hướng, mục tiêu, đưa ra các phương án phát triển và các giải pháp để tổ chức
thực hiện.
Theo quy
hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hải Dương định
hướng sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững
và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Trong đó, đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp
theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch
kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản
xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế quân đầu người ở mức cao hơn cả nước. Tới năm
2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm tỉnh dẫn đầu
cả nước; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là
trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, tỉnh đạt
một số tiêu chí cơ bản để Hải Dương trở thành một thành phố trực thuộc Trung
ương.
Quy hoạch
đưa ra 4 trục phát triển, 5 cực tăng trưởng và 5 vùng phát triển.Trong đó, Trục
phát triển Bắc - Nam theo tuyến QL37, QL38, là trục kết nối 2 đô thị lớn của tỉnh
là thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh và các thị trấn trung tâm huyện nằm
trên trục, có tuyến đường VĐ5 vùng thủ đô, sẽ tăng cường kết nối các đô thị
trong tỉnh và với các đô thị trong vùng Thủ đô, hình thành nên trục phát triển
mới cho tỉnh.
Trục phát
triển Đông - Tây trung tâm tỉnh dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL 5, đi
qua thành phố Hải Dương. Đây là trục phát triển mạnh mẽ trước mắt cũng như lâu
dài, đi qua đô thị trung tâm tỉnh, đã có nhiều Khu công nghiệp được xây dựng dọc
theo tuyến QL5 và một số dự án Khu công nghiệp đã được xác định.
Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh đi qua đô thị lớn thứ 2 của tỉnh là thành phố Chí Linh, với QL18 hiện đang kết nối với khu vực sân bay Nội Bài, thành phố Bắc Ninh, các đô thị của Quảng Ninh đến cửa khẩu Móng Cái. Tuyến đường cao tốc mới Nội Bài - Hạ Long đã được định hướng xây dựng đến năm 2030 sẽ tăng cường hơn nữa giao lưu kinh tế trong khu vực, phát huy tuyến du lịch kết nối các trung tâm du lịch lớn như vùng núi Tây Bắc, thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, qua đó phát triển hơn nữa hoạt động du lịch của thành phố Chí Linh.
Trục phát
triển kinh tế dọc các tuyến sông với trọng điểm là trục dọc sông Thái Bình.
Phát triển không gian đô thị gắn kết với không gian sông, hài hòa với thiên
nhiên và phòng chống thiên tai. Phát huy vận tải thủy để thu hút và phát triển
công nghiệp. Là không gian phát triển nông nghiệp và du lịch.
5 cực tăng
trưởng chính được nêu ra trong quy hoạch Tỉnh gồm: 1 đô thị trung tâm là Thành
phố Hải Dương; 4 đô thị động lực (thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Bình
Giang, Thanh Miện). Ngoài ra có 5 đô thị vệ tinh là thị trấn Gia Lộc, thị trấn
Nam Sách, thị trấn Lai Cách, thị trấn Thanh Hà, thị trấn Tứ Kỳ và 2 đô thị chức
năng chuyên biệt: thị trấn Ninh Giang và thị trấn Phú Thái.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham gia ý
kiến góp ý đối với quy hoạch, thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện đánh
giá cao công tác xây dựng quy hoạch của tỉnh Hải Dương; Nội dung, hồ sơ trình
được xây dựng công phu, khoa học, cơ bản phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh
đã được phê duyệt tại Quyết định số 442/QĐ-TTg; đồng thời đề nghị cơ quan lập
quy hoạch tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm.
Trong đó,
rà soát lựa chọn phương án các quan điểm phát triển phù hợp với tỉnh; Cần nhấn
mạnh các quan điểm định hướng chiến lược; bổ sung nội dung hình thành các cực
tăng trưởng và các vùng động lực để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong phát triển
(không phát triển dàn đều).
Về kịch bản
phát triển, cần phân tích, luận chứng, làm rõ đối với từng nhất là làm nổi bật
ưu, nhược điểm của từng kịch bản; trên cơ sở đó, luận chứng và xác thực tình
hình thực tiễn của tỉnh để lựa chọn kịch bản phát triển phù hợp. Đối với phương
pháp luận để xây dựng các kịch bản tăng trưởng cần lưu ý thêm các yếu tố ảnh hưởng
đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương thời gian tới như các yếu tố nội tại,
các yếu tố bên ngoài; phân tích, so sánh sức cạnh tranh của Hải Dương đối với
các tỉnh liền kề trong vùng Đồng bằng sông Hồng hoặc xu hướng phát triển các tỉnh
trong vùng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022.
Kịch bản phát triển kinh tế, bổ sung các căn cứ, cơ sở thực tiễn, đảm bảo việc áp dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh Hải Dương. Về dự báo quy mô dân số toàn tỉnh, đề nghị xem xét, dự báo lại mô dân số toàn tỉnh đến năm 2025 để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển của tỉnh.
Bên cạnh
đó, các ý kiến cũng tập trung vào đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội;
hiện trạng sử dụng đất; hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; phương hướng
phát triển các ngành quan trọng; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực;…
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu
tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Trần Đức Thắng thay mặt lãnh đạo tỉnh Hải Dương cảm
ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, các chuyên gia đã có ý kiến góp
trách nhiệm, tâm huyết. Điều này rất có ý nghĩa, là cơ sở để tỉnh tiếp thu,
hoàn chỉnh quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời nhấn
mạnh, mục tiêu của tỉnh là đưa ra được quy hoạch đúng nhất, thực hiện trước mắt
là đến năm 2030 và sau đó là tầm nhìn đến năm 2050. Chính vì vậy, tỉnh Hải
Dương đã tập trung rất nhiều công sức trong việc xây dựng quy hoạch để đưa ra bản
quy hoạch tốt nhất.
Bí thư tỉnh
ủy Trần Đức Thắng làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu nêu và nhấn mạnh,
là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng, dân số đủ đông để phát triển, trình độ
dân trí khá cao. Tuy nhiên tỉnh không quá nặng câu chuyện tăng trưởng nhanh mà
phải là tăng trưởng bền vững; tin rằng với định hướng đã và đang làm cùng sự hỗ
trợ của Trung ương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hải Dương sẽ đạt được mục
tiêu đề ra.
Kết luận Hội
nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương
nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành chương trình đề ra và tiến hành biểu
quyết bằng phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ
sung, hoàn thiện.
Quy hoạch
của tỉnh Hải Dương được triển khai theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch
và môi trường; tỉnh thực hiện nghiêm túc quy trình lập quy hoạch; nội dung khá
rõ về tư duy mới, cách tiếp cận mới, tầm nhìn mới, thể hiện khát vọng phát triển
trong thời gian tới.
Để hoàn
thiện quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương khẩn trương, nghiêm túc
nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến; trong đó tập trung làm rõ vị thế
và vai trò của tỉnh với vai trò trung tâm trung chuyển, đầu mối trọng điểm về
giao thương.
Đồng thời,
xác định rõ, làm nổi bật được điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển để trả lời
được các câu hỏi tại sao tốc độ tăng trưởng chưa đạt; tính liên kết chưa tốt so
với lợi thế; chưa thu hút đầu tư hiệu quả trong khi rất có tiềm năng; chưa có
nhà đầu tư chiến lược; vấn đề đô thị hóa; ô nhiễm môi trường; nguyên nhân khách
quan, chủ quan.
Rà soát
các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 30;
quy hoạch tổng thể quốc gia; định hướng phát triển quy hoạch vùng; đặc biệt là
các quy hoạch ngành. Về mô hình tăng trưởng, phát triển phải khẳng định được
kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là xu thế và cũng phù hợp với
tỉnh. Về quan điểm phát triển, đồng ý với quan điểm không quá coi trọng vào tốc
độ tăng trưởng mà phát triển theo hướng bền vững, cân bằng giữa y tế, văn hóa,
xã hội, môi trường.
Quản lý, sử
dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai; phát huy được các giá trị về văn hóa, con
người; liên kết vùng gắn với các địa phương, vành đai, các hành lang kinh tế để
đảm bảo lựa chọn các động lực tăng trưởng.
Về các
ngành ưu tiên, định hướng ưu tiên phải tạo nên đột phá cho tỉnh, trong đó tập
trung vào chuyển đổi số; công nghiệp; đô thị; dịch vụ; trong công nghiệp phải sử
dụng ít đất, ít thâm dụng lao động.
Bộ trưởng
Nguyễn Chí Dũng ủng hộ quan điểm phát triển khu kinh tế tại Hải Dương đã được
nhấn mạnh trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh; bởi đây là địa phương không có lợi thế
giáp biển, không có cảng, không có sân bay. Các nhà đầu tư nước ngoài trong
lĩnh vực bán dẫn đang tích cực khảo sát, tìm hướng đầu tư tại Việt Nam thông
qua việc đầu tư vào các khu kinh tế… Do vậy, phải có chính sách tốt để thu hút
các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng
Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thêm đến phát triển du lịch, du lịch sinh thái; Phát
triển đô thị gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế, gắn với các hành lang để
hình thành các động lực… Đồng thời đề nghị, khẩn trương lập báo cáo tiếp thu,
giải trình bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tuân thủ đúng quy định của pháp luật
về quy hoạch và môi trường; chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác
của nội dung, số liệu trong Báo cáo, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu
trong hồ sơ quy hoạch; tin tưởng sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt giúp tỉnh Hải Dương có nhiều điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời
gian tới.
MPI