Đồng Nai là tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước nên nhu cầu xử lý rác thải trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp là rất lớn. Ước tính, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát sinh hơn 3.600 tấn chất thải các loại trong đó có khoảng 8% là rác thải nhựa và nilon.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu như trước đây đa phần các loại rác thải công nghiệp từ nhựa sau khi phân loại được xử lý theo phương pháp đốt, thì nay việc tái chế ra sản phẩm để sử dụng là bước đi quan trọng trong thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới.

Trước yêu cầu cấp bách trên, để góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện chủ trương giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa công nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đầu tư nghiên cứu và xử lý rác thải nhựa thành công.

 

Những tấm ván ép tái chế từ rác thải nhựa Công ty Thanh Tùng 2 xuất khẩu qua nước Scotland.

Điển hình là Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (Công ty Thanh Tùng 2), đóng tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (Đồng Nai). Từ năm 2021 doanh nghiệp này đã xuất khẩu tấm ván ép tái chế từ rác thải nhựa công nghiệp sang Scotland. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước ứng dụng tái chế thành công và đưa ra được sản phẩm tấm ván ép xuất khẩu ra nước ngoài.

Ước tính, trong năm 2022 doanh nghiệp này đã xuất khẩu hơn 3.000 tấm ván ép tái chế cho phía khách hàng đối tác của Scotland. Dự kiến năm 2023 công ty sẽ tiếp túc xuất khẩu khoảng 4.000 tấm ván ép cho khác hàng này. Không chỉ tại thị trường Scotland, hiện nay một số khách hàng Hàn Quốc và Tây Ban Nha cũng đã đặt đơn hàng với công ty.

Ngoài việc xuất khẩu, công ty Thanh Tùng 2 còn hướng vào thị trường trong nước với những sản phẩm được ván ép tái chế từ rác thải nhựa. Trong đó, đã sản xuất thành công một số mặt hàng như bàn, ghế, tủ từ ván ép tái chế từ rác thải nhựa. Những sản phẩm này bên cạnh công ty dành tặng cho những trường học, những hộ khó khăn vùng sâu vùng xa phục vụ học tập và đồ dùng trong cuộc sống thì đã bán ra thị trường với giá thành thấp hơn các loại thông thường nhưng chất lượng vẫn tương đương.

“Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh luôn hướng cho các doanh nghiệp tham gia vào xử lý chất thải công nghiệp phải sử dụng công nghệ cao. Do đó các doanh nghiệp tiếp nhận và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, tái chế thành công các sản phẩm từ rác thải đạt chất lượng xuất khẩu không chỉ là thành công lớn của doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo vệ môi trường nói chung nhất là khi trên địa bán tỉnh có đến 32 khu công nghiệp”- vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Cùng với thành công tấm ván ép từ tái chế rác thải nhựa, giữa năm 2022, Công ty Thanh Tùng 2 tiếp tục cho ra mắt sản phẩm tranh 3D tái chế từ rác thải nhựa - một bước tiến mới trong tái chế rác thải tại Đồng Nai.

Ông Bùi Xuân Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 chia sẻ, sản phẩm từ tấm ván nhựa tái chế có thể thay thế cho vật liệu tranh gỗ truyền thống phù hợp với thời tiết, môi trường axit, nước biển, thời gian sử dụng lâu dài, có thể dùng nước lau rửa không bay màu… Mỗi tấm tranh nhựa tái chế tiêu thụ khoảng từ 5 - 7 kg rác thải nhựa, tùy theo kích cỡ bức tranh.

Cũng theo ông Hùng, lợi ích khác mà tái chế nhựa in 3D là nhựa dẻo có thể chuyển thành các sợi filament một cách dễ dàng mà không cần nhiệt độ cao. Đặc biệt, các sản phẩm tranh 3D này hiện được người tiêu dùng đón nhận tích cực và đặt hàng nhiều để trưng trong dịp Tết.

“Để sản phẩm tranh phục vụ Tết Nguyên đán 2023, mỗi tháng công ty sản xuất hàng trăm sản phẩm tranh các loại theo yêu cầu đặt hàng của khách hàng, trong đó nhiều nhất là tranh truyền thống, tĩnh vật, tranh dân gian, phong cảnh…”- ông Hùng cho biết.

Theo BCT