Theo SIA, trong năm 2021, doanh số bán chip toàn cầu đạt 555,9 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay, khi các công ty tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SIA cho biết: “Vào năm 2021, trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu đang diễn ra, các công ty bán dẫn về cơ bản đã tăng cường sản xuất lên mức chưa từng có để giải quyết nhu cầu cao liên tục, dẫn đến doanh số bán chip và số lượng chip được xuất xưởng kỷ lục”.

Cũng theo ông John Neuffer, doanh số bán chip trên thế giới năm 2020 tăng trưởng 6,8% so với năm trước, trong khi 2021 là năm đầu tiên kể từ năm 2018 số lượng chip bán ra vượt mốc 1.000 tỷ.

Khoảng 1,15 nghìn tỷ đơn vị chip bán dẫn đã xuất xưởng, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là chip ô tô có thể chịu nhiệt và các thách thức vật lý khác. Doanh số cho phân khúc này tăng 34%, đạt 26,4 tỷ USD.

“Chúng tôi cho rằng trong tương lai gần nhu cầu chip toàn cầu sẽ tăng mạnh, đòi hỏi chúng tôi phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động xây dựng các nhà máy”, CEO của SIA nói.

Trung Quốc vẫn là thị trường riêng lẻ lớn nhất, tuy nhiên Mỹ và châu Âu lại là những thị trường có mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ nhất.

SIA cho biết doanh số bán chất bán dẫn ở Trung Quốc đạt 192,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020, làm lu mờ bất kỳ thị trường nào khác. Trung Quốc đã tập trung vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp chip nội địa của mình trong vài năm qua. Bắc Kinh đã coi việc gia tăng khả năng tự cung cấp chất bán dẫn là ưu tiên hàng đầu, mặc dù Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài.

Năm 2021, thị trường châu Mỹ có mức tăng doanh số lớn nhất là 27,4%. Tiếp theo là thị trường châu Âu với mức tăng trưởng 27,3%.

Các chuyên gia dự báo, doanh số bán chip toàn cầu có thể tăng trưởng 8,8% trong năm 2022 khi nhu cầu chip trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Theo VTV