Sau khi nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước để
định hướng đề xuất chính sách, tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Thuế
tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong thời gian qua, với sự góp ý của các bộ, ngành,
địa phương và DN, mới đây Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây
dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi).
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 5 nội dung chính của Luật thuế TTĐB bao gồm: mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; quy định về Biểu thuế, mức thuế TTĐB (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia; mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong Biểu thuế TTĐB; quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan.
Thông tin về sự thay đổi trong cách tính thuế suất tại dự thảo dự
án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bà Phạm Minh Thủy, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại
và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật thuế TTĐB hiện hành chỉ áp dụng
phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm, còn dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi bổ sung
phương pháp tính thuế tuyệt đối (số thuế TTĐB phải nộp bằng lượng hàng hóa, dịch
vụ chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối) và phương pháp tính thuế hỗn hợp (số
thuế TTĐB phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương
pháp tính thuế tuyệt đối); đồng thời áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối
đối với mặt hàng thuốc lá.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, tại dự án Luật, Bộ Tài chính
nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo
tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng.
Bộ Tài chính cho biết, theo Báo cáo điều tra của Tổ chức Y tế thế
giới, khoảng 90% số nước (194 nước được điều tra) áp dụng thuế TTĐB đối với thuốc
lá. Xu hướng hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thuế hỗn
hợp đối với thuốc lá. Số lượng các nước áp dụng hệ thống thuế TTĐB hỗn hợp tăng
từ 48 nước năm 2008 lên 61 nước vào 2016. Nhiều nước đã áp dụng các chính sách
thuế hiệu quả để tăng giá hoặc triệt tiêu sản phẩm thuốc lá giá rẻ tiềm ẩn nhiều
nguy cơ, tác hại đến sức khỏe nhanh hơn và có hại hơn so với thuốc lá cao cấp,
đồng thời cản trở tiếp cận của giới trẻ - đối tượng mới hút thuốc thường tiếp cận
thuốc lá bắt đầu từ thuốc lá giá thấp. Biện pháp mà các nước áp dụng là tăng cường
áp dụng thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp có gắn theo các điều kiện về định kỳ tăng
thuế theo hoặc cao hơn tốc độ lạm phát và tăng trưởng để đảm bảo giá thuốc lá
tăng cao hơn/bằng với tốc độ gia tăng thu nhập, sức mua của người hút thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo góp ý cho Dự án Luật Thuế
TTĐB vừa được tổ chức, bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt
Nam nhấn mạnh, đề xuất bổ sung căn cứ tính thuế TTĐB theo phương pháp thuế tuyệt
đối, phương pháp thuế hỗn hợp bên cạnh phương pháp tương đối truyền thống đang
áp dụng là một điểm nổi bật trong đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi).
Nếu phương pháp tính thuế tuyệt đối là đánh mức thuế tuyệt đối trên một lượng
hàng hóa, dịch vụ chịu thuế thì phương pháp tính thuế hỗn hợp kết hợp cả cách
tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối. Riêng phương pháp thuế
tương đối có tính chất lũy tiến thì áp dụng trên giá bán ra, giá cung ứng dịch
vụ. Vì vậy sản phẩm có giá bán càng cao thì số thuế TTĐB phải nộp càng lớn. Bà
Hương cho rằng, mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm nhất định, nên tuỳ mục tiêu
kinh tế - xã hội và đặc thù thị trường của các hàng hoá dịch vụ cần điều tiết sản
xuất, tiêu dùng, các quốc gia sẽ lựa chọn áp dụng linh hoạt phương pháp tính
thuế TTĐB phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thị trường rượu, bia của Việt Nam
có những đặc điểm rất khác biệt so với thế giới, nên lựa chọn áp dụng phương
pháp tính thuế nào phải được nghiên cứu, tính toán cẩn trọng và đánh giá kỹ lưỡng
để ít gây ảnh hưởng nhất đến các DN nhưng đạt được mục tiêu chính sách.
Về tác động của dự án Luật, bà Phạm Minh Thủy cho biết, theo báo
cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, việc thực thi Luật Thuế TTĐB sửa đổi đảm
bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với người
tiêu dùng và xã hội, giá của sản phẩm đồ uống có đường, thức uống đại mạch và
nước giải khát không cồn, thuốc lá mới và dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử
trên mạng sẽ tăng thêm tương ứng với số thuế TTĐB phải nộp, qua đó định hướng
tiêu dùng, góp phần giảm tác hại của đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước
giải khát không cồn, thuốc lá mới, từ đó nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đối với sản
xuất, áp dụng thuế TTĐB sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, từ đó có thể làm giảm sản
lượng hàng hóa tiêu thụ nhưng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành
phần, công thức sản phẩm, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe
người tiêu dùng. Đối với ngân sách nhà nước (NSNN), số thu NSNN tăng do đây là
các đối tượng chịu thuế TTĐB mới bổ sung. Về tác động tiêu cực, cụ thể là tác
động về kinh tế, xã hội, việc thực hiện đánh thuế đối với các hàng hóa, dịch
vụ sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ này
và qua đó sẽ có ảnh hưởng đến các DN trong ngành sản xuất, kinh doanh trong nước.
Bên cạnh đó, trong thời gian đầu thực hiện chính sách có thể làm tăng thủ tục
hành chính đối với cơ quan quản lý thuế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
các sản phẩm chịu thuế, tuy nhiên, trong dài hạn khi chính sách đã ổn định, sẽ
không còn tác động về thủ tục hành chính.
Theo HQO