Ông Adam Ferguson, Giám đốc Tiếp
thị Sản phẩm Toàn cầu của HMD, chia sẻ với Android Authority trong một cuộc phỏng
vấn: "Tạo ra một chiếc điện thoại 800 USD không đem lại ý nghĩa gì đối với
chúng tôi vào lúc này".
Nokia 9 PureView ra mắt vào năm
2019 và đó là một nỗ lực để đưa thương hiệu trở lại thị trường điện thoại chụp ảnh
cao cấp mà Hãng đã từng thống trị. Thật không may, PureView mới không được đón
nhận nồng nhiệt và tin đồn về phiên bản tiếp theo luôn đi kèm với những tin đồn
về sự chậm trễ. Không có chiếc flagship nào của Nokia kể từ PureView xuất hiện
và có thể không có chiếc điện thoại cao cấp nào sẽ ra mắt trong tương lai gần.
HMD Global cho biết họ đang và sẽ
tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình - điện thoại thông
minh tầm trung và giá rẻ cũng như điện thoại phổ thông. Họ muốn điện thoại
Nokia được biết đến là thiết bị có tuổi thọ sử dụng trong vài năm, có thời lượng
pin kéo dài nhiều ngày và đi kèm với mức giá phải chăng.
Chiến lược mới thực hiện đã mang
lại những thay đổi tích cực. Gần đây, công ty đã kỷ niệm năm đầu tiên có lãi hoạt
động. Trên thực tế, công đã có lãi kể từ quý 3/2021 và quý 4/2021 là quý có lợi
nhuận cao nhất trong lịch sử ngắn hạn của công ty.
Theo dữ liệu từ Strategy
Analytics, trong quý 4/2021, HMD Global đã xuất xưởng 3,2 triệu chiếc
smartphone, so với 2,8 triệu chiếc của quý IV/2019. Doanh thu từ mảng điện thoại
thông minh tăng 41% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2020-2021.
Để hồi sinh thương hiệu Nokia,
HMD Global bắt đầu việc tiếp cận phân khúc nhỏ, thay vì cố gắng cạnh tranh với
các tên tuổi lớn. Cố gắng cạnh tranh trong phân khúc hàng đầu là điều khó khăn,
đặc biệt là đối với các công ty nhỏ hơn, những công ty gặp khó khăn hơn trong
việc đảm bảo các thành phần quan trọng trong thời điểm khan hiếm linh kiện.
Giới phân tích thị trường nhận định,
có lẽ gắn bó với thị trường cấp thấp và tầm trung thực sự là con đường khả thi
hơn đối với HMD Global ở thời điểm này.