Tận dụng những ngày thời tiết nắng ráo, các hộ làm miến, bánh đa tại thôn Phượng, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, mang các phên bánh ra những khu vực đất trống xung quanh làng để phơi khô. Đây là công đoạn quan trọng trong quy trình làm miến, bánh đa thủ công đã có từ lâu đời tại đây. Nếu thời tiết ủng hộ, nắng to, từ sáng đến chiều tối các sợi miến, bánh đa sẽ đủ giòn, người làm nghề có thể thu hoạch được.
Ông Mai Văn Hựu, một
trong những hộ sản xuất miến, bánh đa lớn nhất thôn Phượng cho hay, làm nghề
này thời tiết rất quan trọng, nếu nắng ráo thì cơ sở mới sản xuất, còn những
ngày trời âm u hay mưa, bắt buộc phải nghỉ bởi nếu làm nhiều mà không có chỗ
phơi miến sẽ bị hỏng hết. Dịp cận Tết năm nay thời tiết rất ủng hộ, trời khô
hanh, nắng nhiều, các cơ sở sản xuất tại đây rất phấn khởi, miến khô nhanh, cơ
sở có đủ lượng hàng phục vụ thị trường Tết.
Bên trong xưởng sản
xuất của gia đình ông Hựu, công nhân mỗi người một công đoạn làm việc rất tích
cực, khẩn trương để kịp hàng giao cho các đầu mối đã đặt trước đó. Trung bình mỗi
ngày cơ sở sản xuất được khoảng 1 tấn miến, nhưng trong dịp Tết lượng cầu lớn
nên cơ sở phải làm liên tục, tăng ca, tuyển thêm nhân công thời vụ để tăng lượng
hàng.
Người dân thôn Phượng
chủ yếu sản xuất hai loại miến, gồm miến gạo và miến dong. Để làm ra 1 tấn miến
gạo cần 1,2-1,3 tấn gạo; làm 1 tấn miến dong cần 1,6-1,8 tấn bột dong. Nhằm
nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe từ người tiêu
dùng, thời gian qua các cơ sở sản xuất miến, bánh đa ở làng nghề thôn Phượng
không ngừng đầu tư máy móc hiện đại.
Ông Phạm Văn
Khánh, chủ một cơ sở làm miến tại thôn Phượng chia sẻ những năm gần đây ông đã
đầu tư hàng chục triệu đồng để mua máy móc thực hiện các công đoạn như sơ chế,
tráng, hấp chín, cán thành sợi miến, do đó sản lượng tăng cao, chất lượng nâng
lên được khách hàng tin dùng. Trung bình mỗi tháng gia đình xuất bán khoảng 1 tấn
miến, tháng Tết tăng cao từ 3-4 lần với giá dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg.
Nằm ven sông Đáy,
người dân xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng từ lâu đã gắn bó với nghề truyền thống
đánh bắt, chế biến hải sản và sản xuất các loại nước mắm, mắm tôm truyền thống.
Hiện, làng có khoảng 30 cơ sở làm nước mắm, mắm tôm bằng phương pháp thủ công sử
dụng nguyên liệu từ nguồn cá cơm, cá trích, cá nục, tép moi... khai thác từ biển.
Anh Lại Nhật
Hoàng, chủ cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm tại đây cho biết, gia đình hiện
đang cung cấp ra thị trường 2 loại sản phẩm gồm nước mắm và mắm tôm được làm từ
các loại cá, tép moi khai thác từ biển. Hiện, gia đình có trên 500 bể ủ nguyên
liệu để sản xuất nước mắm, mắm tôm; trong đó, khoảng 400 bể sản xuất mắm tôm,
còn lại là nước mắm. Mỗi bể chứa 4-5 tấn nguyên liệu.
Nhu cầu sử dụng
nguyên liệu nước mắm, mắm tôm trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình, quán ăn
là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, gia đình anh Hoàng đã có các cơ
sở bày bán, giới thiệu sản phẩm ở khắp 3 miền, thương hiệu nước mắm, mắm tôm Ngọc
Lâm cũng được đông đảo người dùng đón nhận. Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh
Hoàng cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 lít nước mắm và 700-800 tấn mắm tôm,
giá bán 100.000 đồng/lít nước mắm và 10.000-15.000 đồng/kg mắm tôm, tùy vào từng
thời điểm.
Anh Hoàng chia sẻ
để chuẩn bị cho thị trường Tết, khoảng 2 tháng trước gia đình đã thu mua nguyên
liệu từ các tàu, thuyền chuyên đánh bắt hải sản để tiến hành ủ ướp. Đến nay các
sản phẩm đã hoàn thành và có thể xuất bán ra thị trường, giá bán ngày tết không
cao so với ngày thường nhưng lại có nhiều đơn hàng hơn. Hiện tại, sản phẩm mắm
tôm của gia đình anh Hoàng đã được công nhận là sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi
xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao, dự kiến thời gian tới, cơ sở sẽ làm hồ sơ đăng ký
nước mắm là sản phẩm OCOP để thuận tiện trong tiêu thụ sản phẩm.
Thời điểm này, tại
Nghĩa Hưng, nhiều cơ sở sản xuất đã được công nhận là sản phẩm OCOP như cơ sở sản
xuất nước mắm nguyên chất gia truyền Lạch Giang, xã Phúc Thắng; cơ sở sản xuất
cá chạch kho, Thị trấn Quỹ Nhất; cơ sở sản xuất ruốc cá Tuyến Loan và Cá kho
Tuyến Loan của cơ sở chế biến cá kho, cá nướng Rạng Đông, thị trấn Rạng Đông;
cơ sở sản xuất sản phẩm củ cải sấy khô của Hợp tác xã Sản xuất và chế biến nông
sản Nông Phong, xã Nghĩa Phong… Các đơn vị đều đang tất bật, công nhân làm việc
hết công suất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Ông Hoàng Quang
Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nghĩa Hưng,
cho biết các sản phẩm OCOP trên địa bàn đa số tập trung vào nhóm ngành sản phẩm
thực phẩm.
Để bảo vệ sức khỏe
người tiêu dùng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, ngành chức năng thường
xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu chủ sơ sở chế biến thực phẩm thực hiện
nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời khuyến khích chủ sơ sở
áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, xây dựng thương hiệu để tạo niềm tin,
uy tín cho người tiêu dùng.