Vì những ưu thế đó mà vật liệu xanh được khuyến khích sử dụng, nhân rộng trong các công trình xây dựng của Nhà nước, người dân.

Một trong những vật liệu xanh được khuyến cáo sử dụng là gạch không nung. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, trong đó phấn đấu mục tiêu sử dụng 20 - 25% vật liệu xanh trong ngành Xây dựng vào năm 2015 và đạt được 30 - 40% vào năm 2020.

Trên thực tế, đến nay, hầu hết các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều dùng gạch không nung. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào sản xuất gạch không nung. Qua nhiều năm sử dụng loại vật liệu này, đại diện một nhà thầu xây dựng cơ sở y tế tại Yên Thế chia sẻ, đơn vị chúng tôi chấp hành nghiêm quy định về sử dụng gạch không nung khi trúng thầu xây dựng cơ sở y tế điều trị. Qua kiểm nghiệm, giám sát, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng vật liệu không nung đối với công trình xây dựng.

Tuy vậy, các công trình của người dân vẫn chủ yếu dùng gạch nung, chỉ sử dụng gạch không nung trong xây dựng các công trình phụ như: Tường bao, nhà bếp hoặc khu vực chăn nuôi. Nguyên nhân là do lo ngại chất lượng gạch không nung không được như gạch nung cộng với thói quen sử dụng gạch nung từ lâu đã khiến một số hộ không sử dụng vật liệu mới trong xây dựng nhà ở. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch không nung hoạt động cầm chừng do đầu ra gặp khó.

Trong quá trình phát triển đô thị, nhất là đô thị xanh, việc sử dụng vật liệu thân thiện, vật liệu xanh là xu hướng tất yếu. Cùng với tuân thủ các quy định về dùng vật liệu gạch không nung trong các công trình sử dụng vốn ngân sách, Bắc Giang cũng chú trọng thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng mới. Hiện nay, tại Cụm công nghiệp Việt Nhật (Hiệp Hòa), một doanh nghiệp Hàn Quốc đã lắp đặt máy móc, thiết bị, tuyển dụng lao động để chuẩn bị đi vào vận hành sản xuất vật liệu xây dựng mới. Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao, vật liệu chống cháy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để nhân rộng vật liệu xây dựng xanh, ngoài giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm chính sách khuyến khích phát triển vật liệu xanh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần tiếp tục đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất; nâng cao năng lực quản trị, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng xanh.

BBG