Theo Nikkei, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu dầu Nga lớn nhất thế giới trong tháng 7. Sự thay đổi diễn ra khi các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc mua ít dầu hơn, do tỷ suất lợi nhuận từ sản xuất nhiên liệu sụt giảm.

Dữ liệu về vận chuyển hàng hoá của Ấn Độ từ các nguồn tin thương mại và công nghiệp cho thấy, dầu thô của Nga chiếm tỷ trọng cao chưa từng có, 44% trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ vào tháng trước, tăng lên mức kỷ lục là 2,07 triệu/thùng. Con số này cao hơn 4,2% so với tháng 6 và tăng 12% so với 1 năm trước.

Mức kỷ lục trên đã vượt qua lượng dầu Nga mà Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 7 là 1,76 triệu thùng/này thông qua cả đường ống và vận chuyển thông thường, Nikkei trích dẫn dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Hiện tại, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang mạnh tay mua dầu Nga được bán với giá chiết khấu, sau khi các quốc gia phương Tây áp lệnh trừng phạt với Moscow và cắt giảm hoạt động nhập khẩu. Một nguồn tin từ ngành lọc dầu của Ấn Độ cho biết: “Nhu cầu của Ấn Độ với dầu của Nga sẽ tăng lên, miễn là các lệnh trừng phạt không bị thắt chặt thêm.”

Kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Nga đã tăng lên kể từ khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022, chủ yếu là nhập khẩu dầu và phân bón. Động thái này giúp kiềm chế giá dầu thế giới và kiểm soát lạm phát.

Việc Ấn Độ mua dầu Nga ngày càng nhiều đang làm xoay chuyển dòng chảy dầu thô ESPO Blend của Nga, vốn được vận chuyển đến các khách hàng truyền thống ở Trung Quốc nay đã sang Nam Á. Nikkei trích dẫn số liệu, nhậo khẩu dầu ESPO vào Ấn Độ đã tăng vọt trong tháng 7 lên 188.000 thùng/ngày do sử dụng các tàu Suezmax lớn hơn để vận chuyển.

Các nhà máy lọc dầu ở phía đông bắc Trung Quốc thường là những khách hàng mua dầu ESPO nhiều nhất vì ở gần với Nga. Tuy nhiên, họ cắt giảm lượng mua do nhu cầu đối với nhiên liệu đi xuống.

Trong khi đó, Iran tiếp tục là nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 cho Ấn Độ vào tháng 7, sau đó là Ả Rập Xê Út và UAE. Dữ liệu cho thấy, lượng mua dầu thô của Ấn Độ từ Trung Đông đã tăng 4% trong tháng 7, nâng tỷ trọng nguồn cung của khu vực này với Ấn Độ từ 38% trong tháng 6 lên 40%.

Cafef.vn