Tăng trưởng kinh tế theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng GDP quý IV/2023 ước đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng 5,23% của quý III/2023; mức 4,05% của quý II/2023 và mức 3,28% của quý I/2023.

Đó là những thông tin được TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban phân tích và dự báo kinh tế của CIEM đưa ra tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023 vừa diễn ra ngày 6/12.

“Tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt 5,19%. Mặc dù thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022 nhưng mức tăng trưởng này vẫn cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới”, đại diện CIEM cho hay.


Dẫn báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam 2023 của CIEM, ông Thọ nhắc đến một số chỉ dấu tích cực của bức tranh kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, về đầu tư công, ước giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ 58,33% và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 11 tháng ước đạt 28,8 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cùng với đó, Việt Nam cũng kiểm soát lạm phát tốt, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ với 4,5%.

3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024

Ông Thọ đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2024. Theo đó, với lần lượt 3 mức 5,5% (kịch bản thấp); 6% (kịch bản cơ sở); 6,5% (kịch bản cao). Trong đó, kịch bản cơ sở 6% được đánh giá dễ xảy ra nhất.

Năm 2024 được đánh giá là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam bởi những khó khăn trong nội tại nền kinh tế của năm 2023 vẫn được kéo dài đến năm 2024.

Ông Thọ nhận định, hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng. Trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ có 51 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 123.000 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, thị trường bất động sản cũng rơi vào tình cảnh trầm lắng. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo 5,19% mặc dù được đánh giá là cao nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là 6,5%, ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đến năm 2025 và 2030.

Đề xuất loạt giải pháp

Để đạt được mức tăng trưởng GDP cao trong năm 2024, nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, cần tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hoá dịch vụ.

Viện trưởng CIEM Trần Hồng Minh cho rằng, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực để có thể vượt qua những khó khăn nội tại của chính nền kinh tế cũng như những khó khăn khách quan từ kinh tế thế giới và bối cảnh phức tạp của địa chính trị.

Theo bà Minh, để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo đòi hỏi cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp nhằm tận dụng lợi thế từ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm vượt qua khó khăn, thách thức mới.

Trong khi đó, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải.

Theo bà, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hoá, cũng như thúc đẩy xuất khẩu…

Cùng với đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo BVNN