Bắt nhịp sản xuất ngay đầu năm mới

Đánh giá về xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV-2023 và dự báo tình hình quý I-2024, Tổng cục Thống kê cho biết, 29,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2024 sẽ tăng so với quý IV/2023.

Trong đó, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2023 so với quý III/2023 tăng cao nhất với 30,6%. Ngược lại, chỉ số này ở ngành sản xuất máy móc thiết bị giảm nhiều nhất, với 44,3%.

Có 71,4% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 khả quan hơn so với quý IV/2023 (24,6% tăng, 46,8% giữ nguyên); 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.

Ngay trong Tết Dương lịch, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch- Vĩnh Phúc) đã phấn khởi ra quân “mở hàng” lô hàng xuất khẩu và đảm bảo tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký cho cả năm 2024. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết: Dù là ngày nghỉ lễ nhưng không khí làm việc ở các bộ phận sản xuất trực tiếp vẫn sôi động, khẩn trương như thường nhật... với mục tiêu phấn đấu năm 2024 đạt tăng trưởng hơn 20% so với năm 2023.

 

Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch) tạo khí thế phấn khởi, thi đua lao động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm mới.

Tại Công ty TNHH Daeduck Việt Nam, KCN Bá Thiện (Bình Xuyên- Vĩnh Phúc) không khí ra quân sản xuất đầu năm mới với khí thế, kỳ vọng mới. Là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất và gia công mạch in (PCB) và mạch in mềm gắn Board cứng (RFPCB) cho các loại camera và điện thoại di động.

Để thích ứng với sự biến động của thị trường, ngoài việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, công ty đã linh hoạt cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Năm 2024, công ty tập trung đa dạng hóa các dòng sản phẩm; xây dựng các giải pháp về công nghệ, quản trị số đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng nhanh, chất lượng ổn định; đào tạo nguồn lực đáp ứng được xu thế phát triển của ngành điện tử.

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy đang nỗ lực để thúc đẩy đơn hàng cho quý I/2024. Đơn cử như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đạt khoảng 90% kế hoạch về đơn hàng cho quý I/2024. Hay như Công ty CP Sợi Phú Bài đã cố gắng có đủ đơn hàng tới hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của 3 nhà máy.

Đối với ngành thép cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, theo CTCP tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến xuất khẩu thép trong quý I/2024 sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là sang EU. Còn theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán ABS, cho rằng kênh xuất khẩu của CTCP Thép Nam Kim sẽ tăng tốc trong những tháng tới.

Bước sang quý đầu của năm 2024, điều mong mỏi không chỉ với lĩnh vực sản xuất dệt may, sản xuất thép mà với các DN trong sản xuất công nghiệp nói chung là thị trường xuất khẩu sẽ cải thiện khả dĩ hơn, để đơn hàng đến với họ trở nên tích cực hơn so với tình hình khó khăn như năm 2023.

Ngành sản xuất có giá trị cao sẽ tăng trưởng

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.

Công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W) nhìn nhận, ngành sản xuất có giá trị cao ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng. Nhất là việc Chính phủ muốn tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế từ 25% lên 30% vào năm 2030 bằng cách thu hút thêm đầu tư vào ngành này.

Theo đó, Việt Nam có dư địa để đáp ứng sự tăng trưởng đó nhờ sự tập trung mạnh mẽ vào sản xuất điện tử ở miền Bắc Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng), trong khi miền Nam Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) có sự kết hợp giữa thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện tử.

Nói về triển vọng đi lên của sản xuất công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới, ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam, chỉ rõ Việt Nam hiện có khoảng 400 khu công nghiệp trên cả nước và đây là một con số “khá ấn tượng đối với một quốc gia có quy mô như Việt Nam”.

Ông Campbell đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất thông minh, thể hiện ở những ví dụ thành công của các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và khu công nghiệp Deep C Hải Phòng.

“Đây là những dự án mà chúng ta nên thu hút vì chúng vừa nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, vừa cải thiện vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị”, ông Campbell chia sẻ.

Mặc dù có tiềm năng như vậy, nhưng dự báo trong năm 2024, ngành công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm – nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực – trong đó có Việt Nam.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về phía Bộ Công Thương cho hay, năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.

Theo BCT