Thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN sẽ được đưa vào tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản-ASEAN được tổ chức trong tháng 12 tới.

Kyodo News đưa tin ngày 2/10, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản sẽ ký một thỏa thuận trong một cuộc họp diễn ra ngày 4-5/10, trước thềm Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN được tổ chức tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) trong tháng 12 này để kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Thỏa thuận này nhằm tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN, sẽ được đưa vào tuyên bố chung tại hội nghị này.

Theo thỏa thuận, các công ty an ninh mạng khu vực ASEAN sẽ giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động kinh doanh của họ cho các công ty Nhật Bản với mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác mới.


Về phía Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phát triển chuyên môn cho chính phủ các nước thành viên ASEAN thông qua các chương trình đào tạo tại Trung tâm Xây dựng năng lực an ninh mạng ASEAN-Nhật Bản ở Bangkok (Thái Lan), do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chủ trì.

Nhật Bản cũng như ASEAN đang nỗ lực nâng cao năng lực của cả khu vực công và tư nhân để chống lại các cuộc tấn công mạng. Trong nửa đầu năm nay, công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky đã ngăn chặn tổng cộng 44.022 cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, tăng mạnh so với 9.482 lượt tấn công trong cùng kỳ năm 2022.

Tại Nhật Bản, những năm gần đây, số lượng các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) hồi tháng 3/2023, số vụ tội phạm mạng được phát hiện tại nước này trong năm 2022 lên tới 12.369 vụ, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, số vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh.

Cùng với đó, số vụ truy cập Internet đáng ngờ trung bình mỗi ngày bao gồm cả tấn công mạng, cũng tăng lên mức cao kỷ lục là 7.707,9 vụ trên mỗi địa chỉ IP, cao gần gấp 3 lần so với 2.752 vụ trong năm 2018.

6 tháng đầu năm nay, Cơ quan NPA ghi nhận 2.322 vụ lừa đảo đánh cắp tài khoản và mật khẩu ngân hàng, gây thiệt hại khoảng 21 triệu USD, cao kỷ lục so với những năm trước.


Theo Nikkei Asia, hệ thống phòng thủ mạng của Nhật Bản yếu bắt nguồn từ thực tiễn các tổ chức đều thuê ngoài việc phát triển và quản lý các hệ thống an ninh mà không bồi dưỡng các chuyên gia nội bộ. Nhà cung cấp dịch vụ đám mây DreamArts của Nhật Bản nêu trong một cuộc khảo sát với 1.000 quan chức an ninh mạng tại các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản cho thấy 80% công ty chưa bao giờ thay đổi nhà cung cấp chính của họ.

Ngoài ra, Nhật Bản chưa có nhiều kỹ năng phát hiện các cuộc tấn công mạng. Trong một cuộc khảo sát của công ty phần mềm an ninh mạng đa quốc gia Trend Micro, chỉ 34,5% quan chức tại các công ty công nghệ thông tin Nhật Bản cho biết, họ chỉ phát hiện các cuộc tấn công ransomware ở giai đoạn đầu, so với trung bình trên thế giới là 42,4%. Các doanh nghiệp chậm phát hiện rò rỉ dữ liệu và thăm dò kỹ thuật số sau khi bị đột nhập. Họ thường chỉ nhận ra các cuộc tấn công mạng sau khi thiệt hại đã xảy ra.

MKA