Theo thông tin báo chí, mới đây, UBND tỉnh Thái Bình vừa thông báo về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định và Thái Bình trong thời gian sắp tới.

Tuyến cao tốc này sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), với thiết kế 4 làn xe và tốc độ tối đa 120 km/h. Chiều dài của tuyến đường dự kiến là khoảng 60,9 km, bắt đầu từ xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) và kết thúc tại xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, Thái Bình).

Tổng mức đầu tư của dự án, bao gồm cả lãi vay, là hơn 19.780 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án sẽ huy động 52% vốn để xây dựng công trình, trong khi vốn nhà nước chiếm 47% nhằm hỗ trợ xây dựng hạ tầng và tái định cư.

Dự kiến, tỉnh Thái Bình sẽ mở thầu trong nước vào quý IV/2024, với kế hoạch khởi công vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2027.

Tuyến đường sẽ bao gồm 23 cầu, trong đó cầu dài nhất là cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình và Nam Định với chiều dài 1,1 km, cùng nhiều cầu vượt quốc lộ và nút giao. Trên tuyến cũng có hai trạm dừng nghỉ: một tại huyện Trực Ninh (Nam Định) và một tại huyện Kiến Xương (Thái Bình).

Trước đó, theo báo Lao Động, UBND tỉnh Nam Định vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình về việc áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.

Theo đó, tỉnh Nam Định chấp thuận đề nghị trên của tỉnh Thái Bình với điều kiện việc áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường phải đảm bảo tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải; ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các nội dung tại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định khác của pháp luật có liên quan.

"Sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường có nguy cơ gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực, do đó, khi triển khai thí điểm, nhà đầu tư phải xây dựng phương án phòng chống sự cố môi trường giai đoạn triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Phải có các giải pháp để đảm bảo việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường không ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực trong thời gian thi công và sau khi hoàn thành dự án", trích nội dung văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Nam Định do ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ký.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải thực hiện đúng, đầy đủ việc theo dõi, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường trong khu vực dự án thực hiện thí điểm theo đề cương quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường (trong đó, phải giám sát về độ mặn và chỉ số các chất có hại cho cây trồng, thuỷ sản có trong cát biển); gửi kết quả quan trắc, giám sát về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Nam Định để theo dõi, giám sát.

Dự án này hướng đến việc hoàn thiện dần các tuyến đường cao tốc theo Quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030, mở rộng tầm nhìn tới năm 2050, nối liền các tuyến đường cao tốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, và Thái Bình đến thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Khi đi vào hoạt động, Dự án được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô. Đường cao tốc CT.08 sau khi hoàn thành sẽ liên kết với các tuyến đường cao tốc khác trong khu vực như tuyến Bắc Nam, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, cùng với các Quốc lộ khác và các trục đường quan trọng của các tỉnh trong khu vực.

Được xem là trục đường liên vùng, đầu tư và khai thác tuyến đường cao tốc Nam Định - Thái Bình sẽ hoàn thiện hành lang vận tải đường bộ, từ đó thúc đẩy tam giác phát triển kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh Nam Định, Thái Bình, cũng như tăng cường kết nối giao thông với các tuyến đường bộ khác trong khu vực và giữa các địa phương thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ.

Qua Dự án, các tỉnh và thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ sẽ có thêm động lực để phát triển. Đây cũng chính là nền tảng thu hút đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các ngành như phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Ngoài ra, Dự án còn góp phần vào việc ứng phó nhanh chóng với các sự cố thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời củng cố thêm về mặt quốc phòng và an ninh khu vực.