Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa công bố kết quả Giải thưởng Kiến trúc quốc gia (GTKTQG) lần thứ 16 (2024 - 2025). Theo đó, Giải thưởng lớn đã thuộc về công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tác giả thiết kế công trình là các kiến trúc sư Hiroshi Miyakawa, Trịnh Việt A, Michio Oizumi, Nguyễn Đình Đông, Gen Sugiyama (Công ty Nikken Sekkei LTD).

 

Hội đồng GTKTQG nhận định, công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mang tính biểu tượng với ý tưởng độc đáo. Ảnh: Hà Trần.

Theo thuyết minh của nhóm tác giả gửi đến Hội đồng Giải thưởng, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được đầu tư mới (thay thế cho bảo tàng cũ), với quy mô 38,6ha, tại khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 9km về phía Tây, trên Đại Lộ Thăng Long.

Công trình được xây dựng như một bảo tàng trong công viên, góp phần mang lại một địa điểm văn hóa, lịch sử cho Thủ đô Hà Nội và Việt Nam. Theo quy hoạch tổng thể, bảo tàng lấy khối nhà chính làm trung tâm và phân khu chức năng đa dạng, phục vụ các hoạt động văn hóa, giải trí, sự kiện khi cần thiết.

Các lối vào, khu vực đậu xe được bố trí tại các mặt đường giúp người dân có thể tiếp cận công trình từ nhiều phía. Đường hậu cần và dịch vụ của bảo tàng được bố trí nằm dưới triền đồi xanh, phía sau công trình, đảm bảo công tác vận hành nhưng vẫn được che chắn hài hòa với cảnh quan, có sự kết nối không gian cho khách tham quan.

 

Không gian bán mở của công trình vừa thông thoáng về tầm nhìn, vừa giúp tạo môi trường vi khí hậu. Ảnh: Hà Trần.

Giải pháp thiết kế kiến trúc thích hợp với khí hậu nhiệt đới bản địa

Bảo tàng được thiết kế kiến trúc theo 3 ý tưởng chính. Ý tưởng thứ nhất, bảo tàng được lấy cảm hứng từ sức mạnh uy nghiêm của quân đội, tượng trưng cho sự kiên cường và khát khao hòa bình, độc lập của dân tộc. Với quan điểm bảo tàng không phải chỉ là của chủ đầu tư hay nhà thiết kế, mà là của toàn thể quần chúng nhân dân, vì vậy công trình được thiết kế như tác phẩm mỹ thuật kiến trúc mở, để người tham quan tự do cảm nhận.

Ý tưởng thứ hai, công trình lấy ba yếu tố đất, biển, trời, đại diện cho ba lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân Việt Nam là nguồn cảm hứng thiết kế.

Đến với bảo tàng, đầu tiên khách tham quan sẽ đi ngang qua "Cửa biển", là một mặt nước trải rộng 3.000m2, biểu tượng cho cửa ngõ Biển Đông của Việt Nam.

Hành trình được tiếp nối bằng "Cửa đất", là một triền đồi xanh nâng bảo tàng lên cao, tạo cảm giác thăng hoa, hồi hộp cho một trải nghiệm mới đối với khách tham quan.

"Cửa trời" là ngọn đồi tọa lạc tòa nhà chính của bảo tàng, với biểu tượng vươn lên bầu trời tự do, nơi bắt đầu chuyến tham quan trở về lịch sử.

Ý tưởng thứ ba, hình thành bảo tàng trong công viên. Tận hưởng một khuôn viên rộng lớn, bảo tàng được xây dựng tại trung tâm khu đất, nằm nổi trên quả đồi, như tâm điểm của công viên, đồng thời được kết nối lan tỏa ra toàn bộ khu vực cảnh quan.

Bảo tàng được thiết kế với cụm mái vòm lớn, bao trùm lên các không gian công năng, cung cấp mái che cho toàn bộ công trình. Mái che tạo bóng mát làm dịu đi khí hậu oi bức, đóng vai trò như những tán cây khổng lồ để người dân dừng chân nghỉ ngơi, thư thả trong chu trình tham quan.

Công trình đồng thời có những không gian lớn, bán mở, thông thoáng về tầm nhìn. Hệ thống không gian bán mở được thiết kế đan xen, lan tỏa, giúp tạo môi trường vi khí hậu, không sử dụng điều hòa nhưng vẫn mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Giải pháp thiết kế này thích hợp với khí hậu nhiệt đới bản địa.

Đây cũng là khoảng đệm xanh, kết nối các khu chức năng, giúp người tham quan tiếp cận công trình một cách tự nhiên và đa chiều ở tất cả các hướng…

 

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được thiết kế theo mô hình bảo tàng công viên. Ảnh: Hà Trần.

Kiến trúc sư tạo nên cả "một ngôi đền" với một chiếc trụ

Theo nhận định của Hội đồng GTKTQG lần thứ 16, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một công trình kiến trúc đồ sộ, quy mô đầu tư lớn, cho thấy tâm huyết của chủ đầu tư và kiến trúc sư thiết kế.

Không chỉ đảm bảo về chất lượng thiết kế, thi công, công trình còn chứa đựng giá trị xã hội sâu sắc. Công trình mang tính biểu tượng với ý tưởng độc đáo, khai thác hợp lý đặc trưng văn hóa và lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam với truyền thuyết về "Nỏ thần An Dương Vương". Điều này làm tăng thêm giá trị giáo dục về sự tri ân và lòng yêu nước của người Việt Nam.

Thiết kế mặt tiền công trình được tạo nên từ dãy cột vô cùng tinh giản nhưng gợi lên cảm giác uy nghiêm và tôn kính. Nét độc đáo ở công trình này nằm ở yếu tố chỉ với một chiếc trụ nhưng người kiến trúc sư tạo nên cả "một ngôi đền".

Tổng mặt bằng quy hoạch là giải pháp kết nối hợp lý công trình bảo tàng với cảnh quan xung quanh như một công viên, đáp ứng nhu cầu trưng bày và hoạt động đa dạng ngoài trời của cộng đồng.

Công trình sử dụng hình thức kiến trúc đơn giản, chắt lọc về ngôn ngữ, do sử dụng duy nhất hàng cột nhưng vẫn gợi lên tính thống nhất và ý nghĩa biểu tượng độc đáo.


Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được đầu tư xây dựng mới trên một không gian rộng lớn. Ảnh: Hà Trần.

Thiết kế nội thất khu vực trưng bày bố trí hợp lý, thông minh, đáp ứng đầy đủ chức năng của công trình. Chính tính thô mộc của bê tông trần trong nội thất đã tôn thêm giá trị của các vật phẩm trưng bày.

Sự kết hợp hài hòa nội, ngoại thất và các tác phẩm nghệ thuật tạo hình là giải pháp tạo ra những không gian bán mở sinh động, hiện đại của công trình bảo tàng.

BXD