Tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết cho Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung với diện tích 258,86ha. Tỉnh đặt mục tiêu trở thành "Cửa ngõ sáng tạo" của vùng Thủ đô và cả nước.
Tăng tốc phát triển
công nghệ cao
Phó
Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký phê duyệt Đồ án
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, Phân khu số 32 (Khu CNTT tập trung tỉnh Bắc
Ninh). Phân khu này có diện tích khoảng 258,86ha, nằm trên địa bàn của thành phố
Bắc Ninh và huyện Tiên Du, được quy hoạch để trở thành một trung tâm CNTT hiện
đại, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, tạo ra các sản phẩm CNTT chất lượng
cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, quy hoạch này sẽ là “thỏi nam châm” thứ 2 ngoài các lợi thế sẵn có của tỉnh trong thu hút đầu tư, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghệ thông tin hàng đầu.
Quyết
định cũng nêu rõ, mục tiêu của quy hoạch là cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Bắc
Ninh đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến
năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời cụ thể hóa chủ trương
của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung Khu CNTT tập trung tỉnh Bắc Ninh vào
Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung quốc gia; đảm bảo
phù hợp với định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị
Bắc Ninh.
Việc
hình thành Khu CNTT tập trung được các lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng sẽ là
"Cửa ngõ sáng tạo Bắc Ninh", ngang tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng
với vị thế của Bắc Ninh trong vùng Thủ đô, trở thành một trung tâm phát triển,
nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin hàng đầu của quốc gia và
quốc tế.
Về
thiết kế, Quy hoạch phân khu số 32 được thiết kế để tạo ra một không gian hiện
đại, hài hòa giữa các khu chức năng. Các khu vực chính bao gồm: Khu sản xuất,
kinh doanh sản phẩm và dịch vụ CNTT; Khu nghiên cứu - phát triển, tư vấn, đào tạo,
vườn ươm CNTT; Khu văn phòng, trụ sở làm việc; Khu công trình hạ tầng kỹ thuật;
Khu trưng bày, hội chợ, triển lãm; Khu sinh thái và phục vụ dân sinh; Khu nhà ở
chuyên gia; Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Hệ
thống hạ tầng kỹ thuật của phân khu số 32 được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, bao
gồm: Hệ thống đường bộ, đường sắt được quy hoạch khoa học, kết nối với các khu
vực lân cận, đảm bảo giao thông thuận tiện. Xây dựng nhà máy cấp nước với công
suất 7.800m3/ngày đêm. Tổng công suất cấp điện khoảng 91,2 MVA, đảm bảo cung cấp
điện ổn định cho hoạt động của Khu CNTT. Hệ thống thoát nước mưa và nước thải
riêng biệt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Xây dựng hạ tầng viễn thông hiện đại,
đáp ứng nhu cầu kết nối và trao đổi thông tin. Lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh Bắc
Ninh sẽ ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, di dời các nghĩa trang hiện
trạng, cải tạo môi trường, thu hút đầu tư phát triển Khu CNTT.
Để
thực hiện các bước tiếp theo của quy hoạch đảm bảo đúng quy định pháp luật, Phó
Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải giao Sở Xây dựng chỉ đạo;
Trung tâm kiểm định chất lượng và kinh tế xây dựng Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với
UBND huyện Tiên Du, UBND thành phố Bắc Ninh và UBND các xã, phường: Khắc Niệm,
Võ Cường, Liên Bão, Hiên Vân và các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng các địa
phương triển khai thực hiện.
1 góc thành phố Bắc Ninh nhìn từ trên cao.
Đặt mục tiêu 25 khu
công nghiệp, 30 cụm công nghiệp vào năm 2030
Theo
quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ có 25 khu công
nghiệp (KCN) và 30 cụm công nghiệp (CCN). Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các KCN tập
trung, chuyên ngành, đa chức năng, đồng bộ và chất lượng cao. Khuyến khích xây
dựng các mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ, đồng thời nghiên cứu chuyển
đổi một số KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái. Tỉnh cũng sẽ thực hiện phân
bố và sắp xếp không gian phát triển các KCN, CCN một cách hợp lý trên cơ sở bảo
vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai và các nguồn lực
khác.
Về
không gian phát triển công nghiệp của tỉnh được chia thành 4 vùng chính: Thung
lũng công nghệ điện tử - huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp - thị xã Quế
Võ; Khu công nghiệp mới - thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia
Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao - huyện Tiên Du và thành
phố Bắc Ninh.
Để
đạt được các mục tiêu phát triển công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương
Quốc Tuấn cho biết, tỉnh sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng, bao
gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng
đô thị và hạ tầng số. Việc hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp sẽ giúp thu
hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, đồng thời tạo điều kiện
chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững. Bên cạnh
đó, tỉnh cũng sẽ phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử và các trung
tâm logistics lớn để luân chuyển hàng hóa trong khu vực và cả nước.
Song
song với việc phát triển hạ tầng, Bắc Ninh cũng chú trọng phát triển các ngành
Công nghiệp có tiềm năng, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao và
công nghiệp xanh. Mục tiêu của tỉnh là hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt
Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn,
có tác động lan tỏa; tỉnh sẽ đa dạng hóa và đẩy mạnh phát triển các ngành sản
xuất công nghệ cao như sản xuất thiết bị bán dẫn, công nghệ thông tin, công
nghiệp dược phẩm, y tế, thiết bị năng lượng tái tạo... để nâng cao vị thế của
ngành Công nghiệp Bắc Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhằm tạo thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Tỉnh sẽ có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn và quan trọng, từ đó thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất kinh doanh vào tỉnh.
Với
những nỗ lực trên, tỉnh cũng đang gấp rút các kế hoạch để thúc đẩy 02 “thành phố
trẻ” Tiên Du và Yên Phong sớm trở thành đô thị loại III, thành phố trực thuộc tỉnh
trong năm nay (2025), tạo tiền đề cho đô thị Bắc Ninh sớm trở thành đô thị loại
1 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2026 sớm hơn dự kiến 3
năm so với mục tiêu đề ra.
BXD